Trang chủ HỎI ĐÁP & CHIA SẺ SỨC KHỎE - LÀM ĐẸP & THỂ THAO CƠ KHÍ, XÂY DỰNG, ĐIỆN NƯỚC, NGÀNH MỘC, DIY ĐỒ DÙNG GIA ĐÌNH TIN VỀ NGÀNH NỘI THẤT Ô TÔ, CHĂM SÓC XE VIDEO GIỚI THIỆU SẢN PHẨM MỌI THỬ KHÁC

Phương pháp MỚI chữa tật nói ngọng, phát âm sai ở trẻ hở môi sau phẫu thuật

03-03-2019, 2:12 pm
Suckhoedoisong.vn - ThS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Phó Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, BV Nhi Trung ương cho biết, có một thực trạng là các trẻ khe hở môi, vòm miệng sau khi phẫu thuật vẫn còn tình trạng nói ngọng, phát âm sai. Tuy nhiên, hiện nay nhờ việc áp dụng kỹ thuật mới, các bác sĩ đã giải tỏa được lo lắng cho phụ huynh.

Theo BS. Ngọc Lan, hiện nay, ở nước ta nói chung và tại Bệnh viện Nhi Trung Ương nói riêng đều không xa lạ với phẫu thuật cho các trẻ bị khe hở vòm. Nhưng có một thực trạng là các trẻ sau khi được phẫu thuật "đóng kín" các "khe hở" ở môi và vòm thì đã quay lại bệnh viện khám lại với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Anh Nguyễn Văn T. (ở Hải Phòng) có con bị khe hở vòm chia sẻ: "Con tôi sang năm đi học lớp 1 rồi nhưng tôi thấy cháu phát âm sai nhiều quá, các phụ âm đứng đầu một từ cháu đều phát âm yếu và không rõ ràng, khi cháu nói chuyện tôi cảm nhận được hơi của cháu thoát qua mũi nhiều. Tôi sợ ảnh hưởng đến việc đọc của cháu sau này. Tôi cũng đi khám ở khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi Trung Ương, các bác sĩ nghi ngờ rằng con tôi bị thiểu năng vòm hầu và cần được phẫu thuật. Tôi cũng chỉ mong cháu được 70-80% so với các bạn bình thường khác là gia đình chúng tôi cũng mừng lắm rồi".

 

 

Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi.

 

Trường hợp khác, chị Trần Thu H. (ở Thanh Hoá) có con bị khe hở vòm và dị dạng tai phải lo lắng: "Con tôi sau phẫu thuật phát triển về mặt ngôn ngữ như các trẻ bình thường khác nhưng cháu phát âm với giọng thều thào, yếu nên mọi người xung quanh rất khó nghe. Do đó không ai hiểu cháu nói gì nên càng ngày cháu rất ngại giao tiếp với người khác, đặc biệt là các bạn cùng lớp".

Hay như gia đình anh Lê Tiến Tr. (ở Hà Nội) có con bị khe hở môi vòm cho hay: "Khi giao tiếp, tôi để ý thấy cháu nói tất cả các từ đều bắt đầu bằng âm [n, m] hết và tôi nghe thấy giọng của cháu như là ở trong một cái hộp bằng kim loại, nghe cứ thấy vang vang thế nào ấy…".

BS. Ngọc Lan cho biết, cả ba trường hợp trên chỉ là những ví dụ điển hình cho rất nhiều cha mẹ có con bị khe hở môi vòm đã đến khám trong tình trạng lo lắng cho phát âm của con họ bằng các cụm từ như "nói ngọng", hay "giọng yếu thều thào" hoặc "vang". Và tất cả những gia đình có con như vậy họ đều mong ước rằng con mình có một giọng nói, phát âm được bình thường như các bạn đồng trang lứa.

 

Không chỉ dừng lại ở việc đóng kín khe hở môi vòm

Từ thực tế điều trị là vẫn còn tình trạng trẻ "nói ngọng", "giọng yếu",... sau khi đã được phẫu thuật đóng vá kín môi vòm, các bác sĩ đã đi sâu tìm hiểu nguyên nhân gây nên tình trạng này. Theo ThS.BS. Đỗ Văn Cẩn - Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi Trung ương, các hiện tượng phát âm sai, phụ âm yếu, hơi thoát qua mũi, cộng hưởng,... là do rối loạn chức năng vòm hầu, tức là vòm mềm đã không đóng một cách hợp lí trong suốt quá trình tạo phát âm thanh.

“Thông thường có 3 dạng rối loạn chức năng vòm hầu. Một là, thiểu năng vòm hầu (VPI). Đây là hiện tượng phổ biến ở trẻ sau phẫu thuật khe hở vòm. Dạng này thường là do khiếm khuyết về giải phẫu hoặc cấu trúc mà ngăn cản vòm hầu đóng kín khi phát âm. Hai là, vòm hầu di động kém, thường do rối loạn thần kinh sinh lí mà kết quả là việc cấu trúc vòm hầu di động yếu, không thể đóng kín hoặc đóng chậm trong suốt quá trình phát âm. Ba là, do thói quen cũ để lại làm cho vòm hầu đóng sai vị trí để thích nghi”- BS. Cẩn phân tích.

 

Niềm vui của các gia đình có con khe hở môi, vòm miệng được phẫu thuật thành công.

 

Để giải quyết tình trạng này, các bác sĩ cho biết, hiện nay, ở Mỹ, châu Âu và một số nước như Đài Loan, Hongkong,... đã sử dụng phương pháp nội soi bằng ống mềm qua đường mũi để chẩn đoán ba dạng rối loạn chức năng vòm hầu trên. Ngoài ra, nội soi còn giúp các bác sĩ thấy giải phẫu của vòm hầu, hình dạng đóng của vòm hầu, tỉ lệ đóng của vòm hầu, và thời gian di động của vòm hầu. Sau khi chẩn đoán được dạng nào của rối loạn chức năng vòm hầu, bác sĩ sẽ đề xuất, dạng bệnh nào sẽ phải phẫu thuật thì mới cải thiện được vấn đề phát âm, dạng nào chỉ cần trị liệu lời nói mà không cần đến phẫu thuật, dạng nào vừa phải phẫu thuật vừa phải trị lời nói và dạng nào thì cần theo dõi thêm.

BS. Ngọc Lan cho rằng, đối với bệnh nhân khe hở vòm đã được phẫu thuật còn có vấn đề về phát âm thì có hai vấn đề cần giải quyết. Thứ nhất, phải tìm được nguyên nhân là do đâu? Dùng dụng cụ gì để thăm khám để có độ chính xác cao? Thứ hai, điều trị như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất và hạn chế được tối đa những biến chứng?

Hiện nay, nhờ có thiết bị nội soi ống mềm từ Đài Loan, các bác sĩ đã nhìn được khả năng di động của vòm hầu trong suốt quá trình phát âm và chẩn đoán chính xác được tỉ lệ đóng kín của vòm hầu. Từ đó lựa chọn từng kĩ thuật mổ sao cho phù hợp nhất trên từng ca bệnh. Các bác sĩ cũng đã áp dụng những kĩ thuật mổ mới như Furlow hay Pharyngeal Flap cho mặt bệnh này và đã thành công. Đây có thể coi là tín hiệu vui trong điều trị chứng bệnh này, giúp cho những trẻ khe hở môi vòm được "hoàn thiện hơn", "trở về bình thường". Bởi lẽ, điều trị khe hở môi vòm không chỉ dừng lại ở việc đóng kín khe hở!

 Xem thêm link để khắc phục tật nói ngọng do bị hở hàm ếch sau khi phẩu thuật : 

https://vtv.vn/trong-nuoc/phuong-phap-phau-thuat-moi-cai-thien-phat-am-cho-tre-sut-moi-ho-ham-ech-20181106174956186.htm

Theo ThS.BS Nguyễn Thị Ngọc Lan, khe hở môi và vòm miệng là một dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt hay gặp. Trên thế giới, tỷ lệ mắc dị tật này trong số trẻ mới sinh là 1/600 đến 1/1000. Ở Việt Nam, tỷ lệ này dao động từ 0,1 đến 0,2%. Trong đó khe hở vòm miệng chiếm 40%.

Trẻ có thể có khe hở vòm miệng đơn thuần, có thể phối hợp cùng khe hở môi. Trẻ khe hở vòm cũng có thể nằm trong các hội chứng toàn than như Pierrobin, Treacher Collin, Vander Woude…

Khe hở vòm miệng gây ra các rối loạn trầm trọng cho trẻ như khó ăn-bú, hay bị sặc, dễ mắc các bệnh đường hô hấp, rối loạn phát âm, rối loạn tâm lý… Việc điều trị khe hở vòm miệng liên quan đến nhiều chuyên ngành như phẫu thuật hàm mặt, Nắn chỉnh răng và chỉnh hình, thính học, ngôn ngữ, nhi khoa.

Điều trị điển hình nhất với trẻ dị tật khe hở vòm miệng là phẫu thuật tạo hình vòm miệng. Trong lịch sử có rất nhiều phương pháp phẫu thuật được áp dụng như Lagenbeck, Push- Back, Furlow…

Dương Hải

Thông tin liên quan
Go to top
Chat Messenger